Những đứa trẻ nhút nhát thường tỏ ra e ngại, chần chừ trong việc tiếp cận và tương tác với môi trường xung quanh. Tuy nhiên, đằng sau sự nhút nhát ấy, là những tâm hồn nhạy cảm và sự chú tâm sâu sắc đến chi tiết. Hãy giúp các con thích nghi với những nơi mới, vượt qua những nỗi sợ hãi và các con sẽ khiến bố mẹ bất ngờ!
1. Những lời cổ vũ
“Con giỏi lắm”, “Con cố lên”, “Con làm được mà” là những lời khích lệ có giá trị lớn với bé.
Tuy nhiên, mọi sự khen gợi nên có chừng mực và giới hạn trong khả năng cho phép của bé. Bạn không nên nâng bé lên quá cao so với thực tế. Thay vì ca tụng bức tranh của bé, bạn nên chỉ cho bé biết cách phối hợp màu sắc để tác phẩm hoàn thiện hơn.
2. Không bao bọc bé thái quá
Bản năng tự nhiên của cha mẹ là luôn muốn ngăn chặn cảm giác thất bại, bị tổn thương hoặc những tình huống bé dễ bị mắc lỗi ngay từ đầu nhưng chính điều này là “giam hãm” cái tôi của bé. Bé cũng cần những trải nghiệm thất bại, buồn bã, lo lắng, giận dữ… để trưởng thành.
Vấn đề là bạn giúp bé can đảm vượt qua những cảm xúc tiêu cực chứ không phải tìm cách loại bỏ những điều xấu ra khỏi cuộc sống của bé. Những trò chơi có chút mạo hiểm sẽ kích thích tinh thần độc lập của bé; ví dụ, bạn có thể cho bé tham gia trò chơi cầu trượt hoặc đu quay với một nhóm bạn xa lạ…
Ngoài ra, bạn cũng nên thẳng thắn phê bình những khuyết điểm của bé. Nếu bé đánh răng chưa sạch hoặc có thói quen vứt áo khoác xuống sàn nhà, bé cần phải biết đó là hành vi không tốt và nỗ lực khắc phục.
3. Cho phép bé tự ra quyết định
Nếu bé thường xuyên được đặt vào tình thế phải lựa chọn, bé sẽ tự tin hơn với kết luận cuối cùng của mình. Mỗi trường hợp cụ thể, bạn nên đưa ra 2-3 gợi ý và để bé chọn; chẳng hạn, thay vì hỏi: “Con muốn ăn gì cho bữa tối”, bạn có thể nói: “Con muốn ăn canh xương, thịt bò xào hay là cá rán trong bữa tối?”.
4. Bồi dưỡng tinh thần lạc quan
Nếu bé luôn mặc cảm vì thường gặp thất bại, bạn có thể chỉ cho bé thấy mặt sáng của vấn đề. Khuyến khích bé đưa ra nhiều phương án cho một tình huống và nhấn mạnh với bé về kết quả; ví dụ: “Không sao đâu con, chỉ bị ngã chút thôi mà. Nếu con tập trung hơn, lần sau con có thể tự đạp xe mà không bị ngã nữa”.
5. Cho bé tiếp cận với nhiều hoạt động yêu thích
Tăng cường các loại hình vui chơi hàng ngày, bạn sẽ tìm ra được đâu là niềm say mê của bé. Các bé thường có xu hướng bộc lộ tài năng và lòng tự tin với những lĩnh vực yêu thích.
Nếu sở thích của bé trái ngược với các bạn chơi khác thì bạn cũng cần lưu ý; chẳng hạn, bé thích vẽ trong khi nhóm chơi lại ưa chuộng trò xếp hình, bạn nên động viên bé chơi xếp hình cùng các bạn và sẽ tham gia hoạt động hội họa sau đó.
6. Kỹ năng giải quyết vấn đề
“Bé sẽ tự tin hơn nếu biết dàn xếp ổn thỏa mọi chuyện theo ý kiến cá nhân bé” – Myrna Sure (tác giả cuốn sách Nuôi dưỡng tinh thần bé) tiết lộ.
Myrna cũng gợi ý rằng, cha mẹ nên hướng dẫn bé cách giải quyết thay vì ra mặt trợ giúp; chẳng hạn, bé phàn nàn với bạn vì vừa bị bạn chơi giật mất chiếc ôtô ngoài sân chơi, bạn nên hỏi bé: “Con tự nghĩ ra cách nào để lấy lại món đồ chơi này?” và chờ bé đưa đáp án.
“Một bé trai 4 tuổi đã reo lên sung sướng ‘Con sẽ không chơi với các bạn ấy nữa. Con chỉ chơi với mẹ thôi vì mẹ không bao giờ cướp đồ chơi của con’. Dĩ nhiên, đây không phải giải pháp tối ưu dù sự thực quả là như vậy. Tốt nhất, bạn nên hướng bé đến việc giải quyết trực tiếp vấn đề như hai mẹ con sẽ sang nhà người bạn đó để xin lại chiếc ôtô” – Myrna vui vẻ kết luận.
7. Tìm kiếm lời khuyên từ người khác
Không ai có thể tự mình làm tốt mọi chuyện và bạn cũng nên cho bé hiểu được điều này. Nếu bé không biết quy tắc của một món đồ chơi mới, bé có thể hỏi người thân hoặc bạn bè, tuyệt đối không nên tự mình thực hành nếu bé chưa hiểu hết.
Thỉnh thoảng, bạn nên chủ động chia sẻ sự giúp đỡ của mình với bé, như: “Con biết sử dụng chiếc tàu hỏa này chưa? Con có cần mẹ chơi cùng không?”.
8. Tạo cơ hội cho bé tiếp xúc với những người lớn tuối
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, những bé thường giao tiếp với cô bác hàng xóm, họ hàng, người giúp việc hoặc những người lớn tuổi trên đường phố thường mạnh dạn và tự tin hơn. Không những thế, những bé này còn khá hoàn thiện trong kỹ năng giao tiếp và biết cách ứng xử lịch sự.
9. Tưởng tượng về tương lai
Bé cần có ước mơ trở thành những người có ích cho xã hội trong tương lai để xây dựng lòng tự tin ngay từ bây giờ. Bạn có thể hỏi xem sau này bé muốn làm nghề gì và không nên chế nhạo nếu bé ước mơ là phi công bay trên bầu trời hay trở thành cô giáo để dạy học cho cha mẹ…